Hoạt động chấn hưng Phật giáo Thích Từ Phong

Bấy giờ các tự viện ở Nam Bộ thường liên kết lại thành một hội gọi là Hội Lục Hòa, dựa vào hình thức hội họp luân phiên qua lại mỗi lần tại một chùa để gây tình đoàn kết, phát động phong trào chấn hưng Phật giáo. Sư thường được các nơi thỉnh làm Pháp sư thuyết giảng trong các lần hội họp đó.[1]

Ngày 26 tháng 8 năm 1931, do sự hoạt động tích cực của Sư Khánh Hòa, Sư Thiện Chiếu, các Hòa thượng trong các Sơn môn, Tổ đình và một số Phật tử hữu tâm, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, gần chợ Cầu Muối (Sài Gòn). Lúc này Sư đang trụ trì chùa Giác Hải, được bầu làm Chánh Hội Trưởng. Nhưng sau đó hội không tiến hành được Phật sự như mong muốn, vì một số cư sĩ ngăn trở. Năm 1933, các Hòa thượng Khánh Hòa, Từ Phong, Chánh Tâm, Tâm Quang, Khánh Anh, Huệ Quang lui về miền Tây thành lập Phật học Đường lưu động gọi là Liên Đoàn Phật học Xã để đào tạo Tăng tài. Mỗi chùa luân phiên mở lớp học 3 tháng, thường thỉnh Sư đến giảng dạy. Chẳng bao lâu Liên Đoàn Phật học Xã gặp khó khăn về tài chánh phải tan rã. Hội Lưỡng Xuyên Phật học ra đời ngày 13 tháng 8 năm 1934, khóa đầu tiên do Hòa thượng An Lạc chùa Vĩnh Tràng làm Hội trưởng, Sư làm Chứng minh Đạo sư. Năm 1935, hội xuất bản tạp chí Duy Tâm, mở trường Phật học.[1]

So với các danh tăng thời bấy giờ, Sư tuy học vấn không nổi tiếng uyên bác bằng, nhưng tác phong đạo đức cao, có óc canh tân và nhiệt tâm xiển dương chánh pháp, cố hết sức lo chỉnh lý lại tăng đồ và cải cách sanh hoạt Phật giáo để trừ các tệ đoan trong Phật giáo Việt Nam (nhất là ở Nam Kỳ).